Về dược liệu xuyên khung
Xuyên khung là thân rễ khô của cây xuyên khung; chứa tinh dầu, dầu béo, axit ferulic và các chất phtalid (ligustilide, butylphthalide, butylidenephthalide…) có tác dụng chống kết tụ tiểu cầu, chống thiếu máu cơ tim, cải thiện tình trạng thiếu máu não và giảm đau. Theo Đông y, xuyên khung vị cay, tính ôn; vào kinh can, đởm và tâm bào. Có tác dụng hành khí hoạt huyết, khu phong táo thấp. Dùng cho các trường hợp đau đầu và vùng hạ sườn, đau quặn bụng, bế kinh, thống kinh. Hằng ngày dùng 4 – 12g bằng cách nấu sắc, ngâm ướp, pha hãm.
Một số đơn thuốc có xuyên khung:
Trừ phong, giảm đau: Dùng khi đau đầu đau người do ngoại cảm phong tà, đau khớp do phong thấp, gân co rút.
Bài 1: xuyên khung 6g, tế tân 3g, khương hoạt 8g, bạch chỉ 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g, bạc hà 6g, cam thảo 4g. Tất cả nghiền thành bột. Mỗi lần lấy 4g, trộn với nước chè để uống hoặc sắc nước uống. Trị đau đầu do phong hàn và trị đau đầu, váng đầu sau phẫu thuật.
Bài 2: xuyên khung 6g, cương tằm 6g, cúc hoa 12g, thạch cao sống 12g. Nghiền thành bột hoặc sắc uống. Trị đau đầu do phong nhiệt.
Một số món ăn thuốc có xuyên khung:
Xuyên khung tán: xuyên khung tán mịn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 6g, với nước sôi và chút rượu. Dùng cho các trường hợp đau đầu đặc biệt là chứng đau nửa đầu (hội chứng migraine).
Thịt lợn hầm xuyên khung, bán hạ: thịt lợn nạc 60g, xuyên khung 12g, bán hạn chế 12g, bạch biển đậu sao 20g. Dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã. Đem nước thuốc nấu với thịt nạc, thêm muối gia vị vừa ăn. Ngày ăn 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân đau đầu do tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch và do các bệnh lý về mạch máu thần kinh.
Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng, kinh nguyệt quá nhiều, các chứng bệnh có khả năng gây xuất huyết dưới da và nội tạng cần thận trọng.
Theo Suckhoedoisong