1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm…
Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
- Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.
2. Thời tiết miền Bắc lạnh sâu sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, vào những ngày trời lạnh, số bệnh nhân đột quỵ vào cấp tăng vọt. Gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Số ca đột quỵ tới viện tăng là do trời lạnh gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp, nhưng người dân lại ngại đi khám nên tỷ lệ đột quỵ tăng lên nhiều. Một số nguy cơ làm gia tăng số ca đột quỵ phải nhập viện được PGS Hiền chỉ ra là do: Cuộc sống thay đổi, quá nhiều sang chấn tâm lý, công việc hằng ngày căng thẳng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, kèm theo hút thuốc, ô nhiễm môi trường, tuổi thọ cao, bệnh đái tháo đường, mỡ máu… là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý đột quỵ, đặc biệt là có sự trẻ hóa. PGS Hiền lưu ý người dân: “Khi chỉ số huyết áp tăng 5mm thủy ngân thì sẽ tăng 7% nguy cơ đột quỵ”.
3. Để phòng bệnh đột quỵ trong những ngày lạnh, người dân cần lưu ý
– Giữ ấm khi đi ra ngoài đường, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định, có thể dễ dàng cởi ra lúc nóng, thích hợp thời điểm thời tiết thay đổi. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân.
– Ăn uống đủ chất, bớt rượu bia, ăn nhạt… để tăng sức đề kháng, sinh hoạt điều độ, lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa.
– Uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ.
– Mọi người tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa.
– Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm.
– Không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng.
Chuyên gia khuyến cáo, thời tiết mưa, rét đậm trẻ con, người già không nên đi ra ngoài. Đối với người lớn tuổi nên tập thể dục trong nhà thay vì ngoài trời.
Đối với người có tiền sử tăng huyết áp thì đảm bảo uống thuốc đầy đủ, có gì bất thường thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Cần điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.